Đóng góp cho xã hội Giáo_hội_Phật_giáo_Việt_Nam

Các hoạt động thiện nguyện

Thực hành giáo lý của nhà Phật về từ bi, hỷ xả, phổ độ chúng sinh, giáo hội đã có nhiều hoạt động thiện nguyện. Cũng như mọi tôn giáo khác, hoạt động thiện nguyện luôn được Phật giáo nói chung và Giáo hội nói riêng đề cao. Hiện tại, Giáo hội có 50 cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật; gần 70 Tuệ Tĩnh đường, hơn 650 phòng chẩn trị y học dân tộc, 1 phòng khám đa khoa khám, chữa bệnh và phát thuốc miễn phí. Hoạt động hỗ trợ đồng bào chịu ảnh hưởng của thiên tai cũng là một trong các điểm nhấn khi tổng số tiền ủng hộ trong suốt 35 năm từ khi thành lập Giáo hội, Tăng ni và phật tử là hơn 7.000 tỷ đồng (chưa tính trượt giá theo thời gian và đây là thống kê chưa đầy đủ)[12]

Những hoạt động thiện nguyện của Giáo hội, Tăng ni và Phật tử đã góp phần chia sẻ gánh nặng về chi phí bảo trợ xã hội cho các cơ quan nhà nước. Hiện tại, Giáo hội cũng đang tổ chức đào tạo một số lượng lương y nhất định để phục vụ yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Phục vụ nhu cầu chăm sóc người già neo đơn, Giáo hội cũng đã mở hơn 20 cơ sở dưỡng lão. Tuy nhiên số lượng này còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được hết nhu cầu của xã hội. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội, Giáo hội cũng có các cơ sở dạy nghề cho thanh niên khó khăn.[13]

Không chỉ thực hiện các hoạt động thiện nguyện ở trong nước, Giáo hội cũng có những hoạt động thiện nguyện ở các nước láng giếng. Điều này không chỉ giúp người dân ở các nước láng giềng bớt khó khăn mà còn giúp nhân dân Việt Nam và nước bạn tăng cường hiểu biết lẫn nhau.[14]

Đóng góp về văn hóa, khoa học, âm nhạc

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Hữu Sơn, trong thế kỷ XX, Phật giáo Việt Nam nói chung và Giáo hội nói riêng đã có nhiều đóng góp về mặt văn hóa cho xã hội. các loại kinh sách đã được viết bằng chữ Quốc ngữ, được phát hành rộng rãi và không hạn chế, tiếng tụng và giảng kinh của các sư thầy đã được thu vào băng, đĩa, phát hành trên internet. Nhờ các tiến bộ về truyền thông, giáo lý nhà Phật ngày càng thấm sâu vào xã hội. Hòa mình cùng sự phát triển của khoa học, mối quan hệ giữa khoa học-tôn giáo mà ở đây là khoa học-Phật giáo có bước phát triển mới với những xu thế như "Nhìn Phật giáo qua khoa học", "Phật giáo - những vấn đề triết học", "Sự hợp tác giữa khoa học và tôn giáo" và ngay như nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận cũng rằng Phật giáo đã giúp cho khoa học giải thích được việc có tồn tại hay không của một Đấng Tối cao khi Phật giáo quan niệm rằng sự hoà điệu tuyệt vời của vũ trụ đủ để cho ý thức xuất hiện không hề là công trình của một Đấng Tối cao nào cả, bởi vì nhân vật này không hề hiện hữu, vật chất và ý thức đã luôn cộng hữu với nhau từ vô thủy. Bên cạnh đó, các công trình Hán-Nôm đã được góp một phần cực kỳ quan trọng của các sư thầy và Phật tử, những người đã chủ động sưu tập, hệ thống hoá, dịch thuật và truyền bá. Những giá trị nhân văn cao cả, công bằng, bắc ái đã được truyền thụ. Về kiến trúc, hệ thống chùa đã được Giáo hội, Tăng ni, Phật tử hết sức quan tâm để trùng tu, sửa chữa cũng như lưu giữ những nét đẹp vốn có. Mặc dù Phật giáo không thể làm thay các công việc thuộc về thể chế xã hội, sự quản lý hành chính, pháp luật, giáo dục... nhưng hoàn toàn có thể tham gia điều chỉnh khả năng nhận thức, khuyến khích điều thiện và ngăn chặn cái ác, lòng tham.[15]

Về mặt giáo dục, do Phật giáo quan niệm giáo dục trí tuệ có tính nền tảng nên bên cạnh những công tác thiện nguyện, hoạt động bồi dưỡng kiến thức nhằm chuyển hóa nội tâm, cải tạo cái xấu, bồi dưỡng phát huy cái tốt, trang bị cho mỗi cá nhân những nhận thức có chính kiến, đức tin chân chính, những phẩm chất tâm linh, ý chí và đạo đức nhân bản, để họ làm hành trang tư lương cho đời sống an lạc là một việc không thể thiếu của Giáo hội.[16]

Về mặt kiến trúc, GHPGVN coi kiến trúc là một phần của nền văn hóa Việt Nam và kiến trúc Phật giáo là một phần của kiến trúc Việt Nam. Phật giáo Việt Nam có nhiều tông phái khác nhau nên cũng có kiến trúc khác nhau để thể hiện quan điểm của mỗi tông phái.[17]

Do Phật giáo Việt Nam có xu hướng thế tục nên nền âm nhạc Việt Nam cũng có những ảnh hưởng từ Phật giáo. Hiện nay, GHPGVN cũng cho rằng âm nhạc Phật giáo là một phần của nét văn hóa tín ngưỡng Việt Nam. Âm nhạc Phật giáo được thể hiện qua các bài tụng kinh, các nghi lễ thực hành tôn giáo. Âm nhạc Phật giáo cũng mang âm hưởng của âm nhạc dân gian như đờn ca tài tử, chèo,...[18] Trong quá trình phát triển và hội nhập hiện nay, âm nhạc Phật giáo cũng kế thừa những điểm ưu việt trong nhạc lý phương Tây để quá trình diễn xướng được gần gũi với người dân hơn. Đại Đức Thích Chân Quang thể nghiệm một lối tụng mới cho kinh Phật, dựa theo giai điệu của thời đại và tâm tình của lớp trẻ hôm nay, cũng là một hướng đi có ý nghĩa, là một đóng góp đáng kể cho âm nhạc mới Phật giáo thời nay.[19] Nhiều nghi lễ Phật giáo đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác các tác phẩm nghệ thuật.[20]

Đóng góp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc

Thực hành giáo lý nhà Phật về hài hòa và bình đẳng (sự hài hòa và bình đẳng giữa người với người và giữa người với đời sống xung quanh), Phật giáo nói chung và Giáo hội nói riêng đã tiếp tục khơi dậy và phát huy tinh thần khoan dung, dân chủ, yêu nước, thương nòi, cùng chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng thuận xã hội qua phương châm "sống tốt đời, đẹp đạo". Phật giáo là một tôn giáo hướng dẫn con người "biết sống và bảo vệ sự sống". Trong lịch sử thế giới không có sự kiện nào cho thấy rằng người phật tử đã làm điều nguy hại đối với tôn giáo khác ở bất cứ nơi nào trên thế giới vì mục đích truyền bá Phật pháp. Người phật tử không xem sự tồn tại của các tôn giáo khác, hoặc của cộng đồng tộc người, văn hóa khác như là một chướng ngại đối với hạnh phúc và an lạc của bản thân mình, tộc người mình, cộng đồng minh hay cả tôn giáo mà mình đang theo.[21]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giáo_hội_Phật_giáo_Việt_Nam http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38326891 http://www.daophatngaynay.com/vn/giao-duc/11989-Gi... http://www.phatgiaonguyenthuy.com/news-5139/dinh-h... http://www.chuatulam.net/p104a1075/han-quoc-bo-van... http://forum.nguoiaolam.net/Toan-c-nh-thong-tin-I-... http://www.phattuvietnam.net/phatgiaovietnam/ghpgv... http://thuvienhoasen.org/a14589/phat-giao-viet-nam... http://thuvienhoasen.org/a16668/phat-giao-va-su-ng... http://thuvienhoasen.org/a16722/nhung-muc-tieu-cua... http://thuvienhoasen.org/a18426/nhan-nhuc